Cuộc xâm lược của người Hungary Otto I của Thánh chế La Mã

Châu Âu ngay sau thời gian trị vì của Otto. Người Hungary (màu cam) nằm ở phía đông vương quốc Otto (màu xanh) đã xâm chiếm Đức vào năm 954 và 955.

Người Hungary (người Magyar) đã xâm chiếm lãnh thổ của Otto như một phần của cuộc đại xâm lăng châu Âu của người Hungary và tàn phá phần lớn miền Nam Đức trong cuộc nội chiến của Liudolf. Mặc dù Otto đã bổ nhiệm các Phiên hầu tước Hermann Billung và Gero ở biên giới phía bắc và đông bắc vương quốc, Thân vương quốc Hungary ở phía đông nam là mối đe dọa thường trực đối với an ninh của Đức. Người Hungary đã lợi dụng cuộc nội chiến ở Đức và xâm chiếm công quốc Bayern vào mùa xuân năm 954. Mặc dù Liudolf, Công tước Schwaben và Conrad, Công tước Lorraine đã ngăn chặn thành công người Hungary xâm chiếm lãnh thổ của họ ở phía tây, những kẻ xâm lược đã tiến đến sông Rheine, chiếm được phần lớn Bayern và Franken.

Người Hungary, được khuyến khích bởi các cuộc tấn công thành công nên bắt đầu một cuộc xâm lược khác vào Đức vào mùa xuân năm 955. Quân đội của Otto hiện không bị cản trở bởi cuộc nội chiến đã có thể đánh bại cuộc xâm lược và chẳng bao lâu, người Hungary đã phái một đại sứ sang cầu hòa với Otto. Đại sứ thực ra chỉ là một trò nghi trang của người Hungary: anh trai của Otto, Heinrich I, Công tước Bayern đã gửi tin đến Otto rằng người Hungary đã đi vào lãnh thổ của ông từ phía đông nam. Quân chủ lực của người Hungary đã đóng trại dọc theo sông Lech và bao vây Augsburg. Trong khi thành phố được bảo vệ bởi Đức cha Ulrich xứ Augsburg, Otto đã tập hợp quân đội của mình và hành quân về phía nam để đối đầu với người Hungary.[72]

Otto và quân đội của ông đã chiến đấu với quân Hungary vào ngày 10 tháng 8 năm 955 trong Trận chiến Lechfeld. Dưới sự chỉ huy của Otto là Burchard III, Công tước Schwaben và quân đội của Công tước Boleslav I. Mặc dù quân địch đông hơn gần gấp đôi, Otto vẫn quyết tâm đẩy quân Hungary ra khỏi lãnh thổ của mình. Theo Widukind xứ Corvey, Otto "đóng trại của mình ở thành phố Augsburg và hội quân với Heinrich I, Công tước Bayern, người đang bị bệnh ở gần đó và với Công tước Conrad với một lượng lớn hiệp sĩ Franken. Sự xuất hiện bất ngờ của Conrad đã cổ vũ tinh thần các chiến binh đến mức họ muốn tấn công kẻ thù ngay lập tức."[73]

Một minh họa năm 1457 về Trận Lechfeld trong sách chép tay của Sigmund Meisterlin về lịch sử của Nieders

Người Hungary vượt sông và ngay lập tức tấn công người Bohemia, tiếp theo là người Schwaben dưới quyền Burchard. Làm tối tăm mặt mũi quân phòng thủ với một cơn mưa tên, họ đã tước khí giới và bắt được nhiều tù nhân. Khi Otto nhận được tin về cuộc tấn công, ông đã ra lệnh cho Conrad giải vây các đơn vị hậu phương của mình bằng một cuộc phản công. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Conrad trở lại với quân chủ lực và Nhà vua đã phát động một cuộc tấn công ngay lập tức. Mặc dù tên bay như mưa nhưng quân đội Otto đã tiếp cận được quân Hungary và chiến đấu cận chiến với họ khiến các chiến binh du mục truyền thống không còn chỗ để sử dụng chiến thuật bắn và chạy ưa thích của họ; người Hungary bị tổn thất nặng nề và buộc phải rút lui trong rối loạn.[74][lower-alpha 3]

Theo Widukind xứ Corvey, Otto được tuyên bố là Quốc phụ và Hoàng đế trong lễ kỷ niệm chiến thắng sau đó.[lower-alpha 4] Trong khi trận chiến không phải là một thất bại nặng nề đối với người Hungary vì Otto không thể truy đuổi khi quân Hungary chạy trốn vào đất Hungary, trận chiến này đã kết thúc gần 100 năm xâm lược của người Hungary vào Tây Âu.[76]

Trong khi Otto đang chiến đấu với người Hungary với quân chủ lực được triển khai ở miền Nam nước Đức thì người Slav Obotrite ở phía bắc đang nổi dậy. Bá tước Wichmann Em, vốn vẫn là kẻ thù của Otto khi nhà vua từ chối danh hiệu Phiên hầu tước cho ông vào năm 936, đã hành quân qua vùng đất của người Obotrite ở huyện biên giới Billung, kích động các thân tín của Vương công người Slav Nako nổi dậy. Người Obotrite xâm chiếm Sachsen vào mùa thu năm 955, giết chết những người trong độ tuổi mang vũ khí và mang phụ nữ và trẻ em về làm nô lệ. Sau trận chiến Lechfeld, Otto đã trở về phía bắc và tiến sâu vào lãnh thổ của họ. Một đại sứ người Slav đề nghị trả tiền cống nạp hàng năm để đổi lấy việc được phép tự trị dưới sự cai trị của người Đức thay vì chịu sự cai trị trực tiếp của Đức.[77] Otto từ chối và hai bên đã chạm trán nhau vào ngày 16 tháng 10 trong Trận chiến Recknitz. Quân của Otto đã giành chiến thắng quyết định; Sau trận chiến, hàng trăm người Slav bị bắt đã bị xử tử.[78]

Lễ khải hoàn của Otto kỉ niệm chiến thắng trước người Hungary và người Slav ngoại giáo đã được tổ chức tại các nhà thờ trên khắp vương quốc. Các giám mục đều tin là chiến thắng có được là do cho sự can thiệp của thần linh và là bằng chứng cho "quyền thiêng liêng" của Otto. Các trận chiến Lechfeld và Recknitz đánh dấu một bước ngoặt trong triều đại Otto. Những chiến thắng trước người Hungary và người Slav đã tạo dựng quyền lực của ông ở Đức, các công quốc hoàn toàn nằm dưới quyền cai trị của hoàng gia. Từ năm 955 trở đi, không có cuộc nổi loạn nào khác chống lại sự cai trị của ông và kết quả là Otto có thể củng cố thêm vị thế của mình trên khắp Trung Âu.

Con rể của Otto, Conrad, cựu Công tước Lorraine đã bị giết trong trận Lechfeld và anh trai của ông, Heinrich I, Công tước Bayern bị thương nặng và chết vài tháng sau đó vào ngày 1 tháng 11 năm đó. Sau cái chết của Heinrich, Otto đã bổ nhiệm cháu trai bốn tuổi Heinrich II làm người kế vị cha mình với mẹ là Judith xứ Bayern làm nhiếp chính. Otto bổ nhiệm Liudolf vào năm 956 với tư cách là chỉ huy của cuộc viễn chinh chống lại vua Berengario II của Ý nhưng ông sớm qua đời vì sốt vào ngày 6 tháng 9 năm 957. Đức Tổng Giám mục Wilheim chôn cất người anh cùng cha khác mẹ của mình tại Tu viện St. Alban gần Mainz.[79] Cái chết của Heinrich, Liudolf và Conrad đã làm Otto mất đi ba thành viên ưu tú nhất trong dòng dõi hoàng tộc, kể cả người thừa kế của ông. Ngoài ra, hai đứa con trai đầu của ông từ cuộc hôn nhân với Adelaide của Ý là Heinrich và Bruno đều chết yểu năm 957.[63][80] Con trai thứ ba của Otto với Adelaide, Otto mới hai tuổi đã trở thành trữ quân mới của vương quốc.[81]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Otto I của Thánh chế La Mã http://www.muenzeoesterreich.at/eng/produkte/the-c... http://college.hmco.com/history/west/mosaic/chapte... http://leccos.com/index.php/clanky/boleslav-1-2 http://sbaldw.home.mindspring.com/hproject/prov/ot... http://www.numismatas.com/Forum/Pdf/David%20Ruckse... http://www.e-stredovek.cz/view.php?cisloclanku=200... http://www.deutsche-biographie.de/sfz70539.html http://www.deutsche-biographie.de/sfz70649.html http://www.deutsche-biographie.de/sfz74082.html http://www.deutsche-biographie.de/sfz74083.html